Mục Di Trú và Thăng Tiến Đời Sống do Văn Phòng tham vấn di trú Robert Mullins International đảm trách hằng tuần, nhằm cập nhật tin tức và phát huy kiến thức di trú, rất hữu ích cho quý vị quan tâm đến việc bảo lãnh thân nhân. Chủ đề trên đây cũng được thảo luận trực tiếp trên trang nhà,www.rmiodp.com vào mỗi tối thứ Tư, từ 7:00-8:00 giờ và phát thanh, phát hình 24/24 trên www.facebook.com/rmiodp
Từ hoàn cảnh của người tỵ nạn nay đã trở thành những công dân Hoa Kỳ, những cộng đồng người Mỹ gốc Việt đã phát triển với tổng số dân lên đến trên 1 triệu 500 ngàn người. Một bản danh sách rất dài vừa phổ biến mới đây về thế hệ thứ nhất và thứ hai liệt kê tên những công dân Mỹ gốc Việt đạt những thành công trong dòng sinh hoạt chính của Hoa Kỳ.
Chúng ta có còn nhớ đến cậu bé dễ thương đóng phim cùng với tài tử nổi tiếng Harrison Ford trong phim "Indiana Jones and the Temple of Doom" không? Tên của cậu bé là Jonathan Kế Quân. Trong năm 1995, hãng phim Walt Disney trình chiếu phim "Operation Dumbo Drop" với bối cảnh chiến tranh Việt Nam, tài tử trẻ tuổi Lê Thiên Định đã đóng phim bên cạnh hai tài tử gạo cội Danny Glove và Ray Liotta. Lê Thiên Định và gia đình đã được văn phòng tham vấn di trú Robert Mullins International giúp bảo lãnh sang Hoa Kỳ.
Thính giả vùng Vịnh, miền Bắc tiểu bang California đã từng xem cô Thúy Vũ, xướng ngôn viên và phóng viên đa tài của đài truyền hình CBS-5 ở San Francisco, từng được trao giải thưởng cao quý Emmy. Bên cạnh đó, những người nổi tiếng trong ngành truyền thông còn có Betty Nguyễn, Leyna Nguyễn, Vicky Nguyễn, Mary Nguyễn, Châu Nguyễn.... Trong lãnh vực khác, cô Chloe Đào, nhà thiết kế thời trang đã đoạt giải trong chương trình truyền hình "Project Runway" nổi tiếng. Còn có Tila Tequila, người phụ nữ được yêu chuộng nhất trên trang mạng xã hội.
Trong doanh nghiệp, phải nói đến Bill Nguyễn rất thành công với hai trang mạng onebox.com và lala.com và đã bán hai công ty này với giá 940 triệu Mỹ kim, và Trung Dũng đã bán trang mạng OnDisplay của ông với giá 1 tỷ 800 triệu Mỹ kim. Và rất cần phải nói đến ông Frank Jao, người đã phát triển trung tâm thương mại Little Saigon và Asian Garden Mall tại thành phố Westminster, miền nam tiểu bang California.
Những người Việt Nam nổi tiếng trong sinh hoạt chính trị phải kể đến Janet Nguyễn và Trí Tạ ở quận hạt Orange County, John Trần ở thành phố Rosemead, dân biểu liên bang Joseph Cao ở tiểu bang Louisiana, cô Madison Nguyễn ở San Jose hoặc dân biểu Văn Trần của tiểu bang California....
Ông Eugene H. Trịnh, phi hành gia của cơ quan NASA, là người Mỹ gốc Việt đầu tiên du hành ra vũ trụ. Và giáo sư, nhà sáng chế Võ Đình Tuân được xếp hạng 43 trong danh sách 100 nhân vật thông minh nhất thế giới.
Danh sách tên tuổi những người Việt Nam sẽ còn được viết thêm, liên tục, trong tương lai, cho thấy những công dân Mỹ gốc Việt là thành phần rất quan trọng trong nền văn hóa Hoa Kỳ.
Nhà hàng và các doanh nghiệp nhỏ như tiệm làm móng tay, cắt tóc, chợ, tiệm tạp hóa, xuất-nhập cảng... thường có mặt ở những nơi người Việt Nam đi tìm sự thành công kinh tế. Người Việt làm chủ hơn 100.000 thương nghiệp, thuê mướn hơn 300.000 nhân công, với lượng buôn bán trị giá khoảng 10 tỷ Mỹ kim.
Cho đến nay, những vấn đề khác biệt giữa các thế hệ, những thay đổi trong đời sống gia đình, tham gia chính trị, cũng như sự phát triển của các trung tâm kinh tế khắp Hoa Kỳ, đang trở thành mối quan tâm nhiều hơn cho những công dân Mỹ gốc Việt đang hướng về phía trước. Những công dân gốc Việt của thế hệ thứ hai đã tự cảm thấy họ là người Mỹ hơn là những người tha hương từ Việt Nam. Dựa vào những thành tựu của họ, tương lai sẽ tươi sáng.
Theo bản tường trình của trung tâm nghiên cứu Pew Research Center, chỉ cần một thế hệ của những gia đình di dân đã đạt được những thành tựu kinh tế xã hội khởi sắc, bao gồm việc kiếm được lợi tức nhiều hơn, làm chủ căn nhà của mình và tham gia các trường đại học. Những công dân Mỹ của thế hệ thứ hai - con cái sinh trưởng tại Mỹ của người di dân - đạt được nhiều thành tựu hơn cha mẹ di dân của họ.
Tường trình của trung tâm Pew giúp cho thấy người di dân ngày nay nhanh chóng hòa nhập và tự túc. Không chỉ là vấn đề hòa nhập, họ còn làm cho chiếc thang kinh tế xã hội được đẩy lên cao hơn và nhanh hơn, giúp cho đời sống của chính họ và gia đình họ tốt hơn. Tương tự, họ bày tỏ sự lạc quan về tương lai của họ và con cái của họ.
Các nhà nghiên cứu của trung tâm Pew tìm thấy một số điểm quan trọng như sau:
Những người trưởng thành trong thế hệ thứ hai đang kiếm tiền lương trung bình cao hơn thế hệ di dân thứ nhất (58.000 Mỹ kim so với 46.000 Mỹ kim).
Thế hệ thứ hai dễ dàng đạt chứng chỉ đại học (36% so với 29% của thế hệ thứ nhất). Vào khoảng 90% người di dân gốc Á Châu và gốc các nước nói tiếng Tây Ban Nha của thế hệ thứ hai rất thông thạo Anh ngữ, tỷ lệ cao hơn nhiều so với người di dân thuộc thế hệ thứ nhất. Nhiều di dân thế hệ thứ hai nói được song ngữ.
Thế hệ thứ hai tự xem họ là thế hệ dễ hòa nhập nhất. Có khoảng 6 trong 10 người trong thế hệ thứ hai tự xem mình là "người Mỹ tiêu biểu".
Hầu hết di dân thuộc thế hệ thứ hai biểu lộ rất tin vào sự làm việc chăm chỉ: 72% người Á Châu nói rằng nếu bạn mong muốn làm việc, bạn sẽ tiến về phía trước. Khi các nhà nghiên cứu hỏi những công dân Mỹ khác về giá trị của sự làm việc chăm chỉ, 50% nói rằng làm việc chăm chỉ sẽ được trả lương xứng đáng, nhưng 40% lại cho rằng không bảo đảm sẽ thành công. Thể hiện trong mùa bầu cử năm 2012 vừa qua, di dân thế hệ thứ hai tỏ ra mặn mà với Đảng Dân Chủ hơn là Đảng Cộng Hòa. Họ cũng có khuynh hướng tự mô tả họ thuộc thế hệ phóng khoáng hơn quảng đại quần chúng nói chung.
Bảy mươi lăm phần trăm công dân Hoa Kỳ gốc Á Châu thuộc thế hệ thứ hai nói rằng căn bản đời sống của họ tốt hơn cha mẹ họ và 80% nói rằng điều kiện sinh sống tốt hơn cho gia đình ở Mỹ hơn là ở Á Châu.
Vì tỷ lệ sinh sản của người di dân tăng cao, các nhà nghiên cứu của trung tâm Pew tiên đoán rằng vào năm 2050, có khoảng 37% dân số Hoa Kỳ sẽ là người di dân hoặc con cháu của người di dân.
LỊCH CẤP CHIẾU KHÁN DI DÂN TÍNH ĐẾN THÁNG 10-2015
-IR-1, IR-2, IR-5:Vợ, con vị thành niên, cha mẹ của công dân Hoa Kỳ, luôn luôn hiệu lực
- Diện F-1: Con độc thân, trên 20 tuổi, của công dân Mỹ: Ngày 15/01/2008 (Tăng 4 tuần)
- Diện F2A: Vợ hoặc chồng và các con nhỏ của thường trú nhân: 15/04/2014 (Tăng 6tuần)
- Diện F2B: Con độc thân, trên 20 tuổi, của thường trú nhân: Ngày 15/01/2009 (Tăng 3 tuần)
- Diện F-3: Con đã lập gia đình của công dân Mỹ. Ngày 22/05/2004 (Tăng 2 tuần)
- Diện F-4: Anh chị em của công dân Mỹ: Ngày 08/02/2003 (Tăng 3 tuần)
-Tu Sĩ-SR: Luôn luôn hiệu lực
Hỏi Đáp Di Trú
- Hỏi: Những di dân thành công này có thể nộp đơn xin chiếu khán (visa) làm việc cho nhân viên có khả năng đang sống ở Việt Nam không?
- Đáp: Việt Nam không nằm trong danh sách những nước hợp lệ có thể đưa công nhân ngoại quốc đến Hoa Kỳ để làm những việc tạm thời. Những chủ nhân sẽ phải nộp đơn cho những công nhân có tài năng, trong hạng mục H-1B dành cho Nghề Nghiệp Đặc Biệt. Hoặc, trong một vài trường hợp, họ có thể xin chiếu khán L dành cho nhân viên liên công ty.
- Hỏi: Họ sẽ có thể đầu tư chung với những người đang xin chiếu khán đầu tư EB-5 từ Việt Nam không?
- Đáp: Những đương đơn xin chiếu khán đầu tư EB-5 luôn luôn được hoanh nghênh trong việc đầu tư 500.000 Mỹ kim cho những đề án được chấp thuận. Những nguồn tiền hợp pháp và tạo công việc làm cho công nhân Mỹ là những đòi hỏi chính yếu.
- Hỏi: Những công việc nào có thể giúp cho việc nộp đơn xin chiếu khán đầu tư EB-5 được chấp thuận? (Chẳng hạn như sản xuất, phát triển, thị trường, tiệm tạp hóa, v.v...)
- Đáp: Có nhiều loại công việc nằm trong các dự án Trung Tâm Vùng được Sở di trú chấp thuận. Nên tập trung vào việc tạo công việc làm lâu dài cho công dân Mỹ, bất kể sẽ làm những công việc gì.
Kính mời quý độc giả đón đọc chủ đề Di Trú và Thăng Tiến Đời Sống trên các báo chí Việt ngữ địa phương số cuối tuần, hoặc nghe trực tiếp chương trình của chúng tôi vào mỗi tối thứ Tư trên các làn sóng: Bắc Cali 1430AM, 7:00-8:00, Nam Cali 106.3FM,7:00-7:30 và trên trang nhà: www.rmiodp.com. Hoặc www.facebook.com/rmiodp. Hay liên lạc với văn phòng Robert Mullins International gần nhất: Westminster: (714) 890-9933 , San Jose (408) 294-3888, Sacramento (916) 393-3388, Rạng Mi: 84-3914-7638 hay Email: info@rmiodp.com