Mục di trú và bảo lãnh do Văn Phòng tham vấn di trú Robert Mullins International đảm trách, nhằm mục đích thông báo các tin tức thời sự liên quan đến vấn đề đoàn tụ gia đình, rất hữu ích cho quý vị nào quan tâm đến việc bảo lãnh thân nhân . Mọi đóng góp ý kiến xin liên lạc 1-800-411-0495 hoặc qua email: info@rmiodp.com
Người Việt Nam tại hải ngoại đang chuẩn bị đón mừng năm mới Bính Tuất năm 2006. Một năm trôi qua với quá nhiều biến cố, đặc biệt là tình hình an ninh tại Hoa Kỳ và thiên tai trên thế giới đã ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của cộng đồng người Việt. Trong số này, vấn đề di trú đã giữ một vài trò khá quan trọng. Nhân dịp này, Văn phòng Robert Mullins International xin được tổng kết những vấn đề di trú chính yếu có liên hệ trực tiếp đến người Việt Nam.
- Vào ngày 14 tháng 11 năm 2005, Tu Chính Án McCain lại một lần nữa được gia hạn đến tháng 11 năm 2007. Qúy vị có thể tìm hiểu chi tiết Chương trình McCain và đơn (Việt ngữ và Anh ngữ) trong phần Bộ Phận Tái Định Cư Người Tỵ Nạn trên trang điện tử của Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn: http://hochiminh.usconsulate.gov.
Theo luật mới, chỉ có đương đơn liên hệ đến Chương trình McCain mới có thể nhận được các thông tin liên quan đến việc nộp đơn. Kể cả người bảo lãnh tại Hoa Kỳ và các đại diện pháp lý cũng không được quyền nhận các thông tin liên hệ. Vì thế, các đương đơn phải liên lạc trực tiếp với Bộ Phận Người Tỵ Nạn của Tổng lãnh sự để tìm hiểu về hồ sơ của mình. Số điện thoại của Bộ Phận Tỵ Nạn là 829-2750.
- Sự giới hạn việc thu nhận đơn chuyển diện sang Thẻ Xanh Thường trú nhân của những người thuộc diện nhân đạo Tạm Dung Vì Lợi Ích Cộng Đồng (thường gọi là PIP) đã được bãi bỏ. Sự thay đổi luật này vào đầu năm 2005 đã hủy bỏ sự giới hạn đối với những người thuộc diện PIP muốn xin Thẻ Xanh Thường trú nhân. Sự thay đổi này cũng hủy bỏ giới hạn số lượng đơn đã được cơ quan di trú phê chuẩn. Những người thuộc diện PIP có thể nộp đơn bất cứ lúc nào và đơn của họ sẽ được cơ quan di trú duyệt xét.
- Về việc nộp các chứng từ bổ túc cho Lãnh sự Hoa Kỳ sau khi đơn xin chiếu khán (visa) bị từ chối: kể từ đầu tháng 8 năm 2005, hầu hết việc duyệt xét của lãnh sự về các chứng từ bổ túc phải được thực hiện khi các đương đơn đến Tòa lãnh sự nộp các chứng từ bổ túc. Một nhân viên chính thức của Tòa lãnh sự sẽ có mặt làm việc ngay tại cửa thu nhận các chứng từ kể trên. Tuy nhiên, xin ghi nhớ rằng các chứng từ nộp bổ túc không thể nộp từng phần. Tất cả các chứng từ được yêu cầu phải nộp đầy đủ một lần.
- Liên quan đến việc duyệt xét đơn xin chiếu khán (visa) tại Việt Nam, nhất là các hồ sơ bảo lãnh diện vợ/chồng và diện hôn thê/hôn phu: Sau hai sự kiện truy tố một số người chuyên nghề môi giới bảo lãnh "không chân thật" ở Trung Hoa và Việt Nam tại tiểu bang Washington và miền nam tiểu bang California, Tòa Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn đã cho thấy việc duyệt xét đơn xin chiếu khán thuộc các diện bảo lãnh kể trên ngày càng gay gắt và cẩn thận hơn. Tuy nhiên, nhiều đương đơn liên hệ đã cho rằng một số đòi hỏi chứng từ cần bổ túc của các viên chức lãnh sự quá khó khăn, gần như thiếu thực tế, đã làm tổn thương tình yêu trong sáng của họ khi từ chối đơn xin chiếu khán và quyết định hoàn trả đơn bảo lãnh về lại cơ quan di trú tại Hoa Kỳ.
- Vào tháng 6 năm 2005, chính phủ Hoa Kỳ và nhà cầm quyền Việt Nam đã phổ biến một bản Thông cáo chung về việc nhận con nuôi quốc tế. Bản Thông cáo chung này có thể đọc trên trang điện tử, bằng Việt ngữ và Anh ngữ, của Tổng lãnh sự Hoa Kỳ: http://hochiminh.usconsulate.gov. Nhiều năm qua, việc người có quốc tịch Hoa Kỳ bảo lãnh con nuôi tại Việt Nam đã đi vào bế tắc vì đã xảy ra nhiều vụ buôn bán bất hợp pháp. Theo các quy định của bản thỏa thuận giữa hai nước, nhiều nỗ lực sẽ được thực hiện để bảo đảm rằng các trẻ em được nhận phải là trẻ mồ côi thực sự và các em không thể do những kẻ vô lương tâm cung cấp chỉ với mục đích lợi dụng chương trình nhận con nuôi để buôn-bán. Toàn bộ chi tiết và các điều lệ liên quan đến việc nhận con nuôi tại Việt Nam sẽ được công bố trong thời gian ngắn sắp tới.
- Việc khởi động Chương Trình Tái Định Cư Nhân Đạo (HR) đã được loan báo vào tháng 11 vừa qua và sẽ bắt đầu duyệt xét vào tháng 5 năm 2006. Chương trình này giống như chương trình HO (Ra Đi Trật Tự - ODP) trước đây, nhưng chỉ ưu tiên cho những người không thể nộp đơn hay không thể hoàn tất việc duyệt xét đơn trước khi Chương Trình Ra Đi Trật Tự đóng lại vào ngày 30 tháng 4 năm 1994. Những người đã được thông báo trước đây không hội đủ những yêu cầu của Chương Trình Ra Đi Trật Tự sẽ không hợp lệ để nộp đơn lại theo Chương Trình Tái Định Cư Nhân Đạo.
- Cơn bão tố Katrina vừa qua đã mang lại thảm họa, không những cho cư dân ba tiểu bang Louisiana, Alabama, Mississippi, mà còn ảnh hưởng nặng nề đến tình cảm và nền kinh tế Hoa Kỳ. Sự thiệt hại về nhân mạng và vật chất tại ba tiểu bang này đã ra ngoài sự tưởng tượng của chính phủ Hoa Kỳ, và các nỗ lực trợ giúp các nạn nhân thiên tai đã gia tăng chưa từng có. Về mặt di trú, nhiều chương trình cứu tế khác nhau cho người di dân (hầu hết là các Thường trú nhân) đã và đang được thực hiện, bao gồm: thực phẩm, tiền thuê nhà, trợ giúp vay nợ, trợ cấp nhà cửa tạm thời, trợ cấp sửa chữa nhà cửa, các khoản tiền mặt ngắn hạn, cho vay buôn bán nhỏ và nhiều trợ giúp khác.... Tập Sách Hướng Dẫn Các Chương Trình Liên Bang Giúp Di Dân Hợp Lệ, được sửa đổi vào tháng 9 năm 2005 bởi Trung Tâm Luật Di Trú Quốc Gia, đã liệt kê nhiều cơ quan có nhiệm vụ duyệt xét, giúp đỡ những di dân hội đủ điều kiện đang gặp thảm cảnh trên đất Mỹ.
- Luật mới về hình cá nhân trên passport: Vào ngày 7 tháng 12 năm 2005 vừa qua, một điều luật mới đã được Bộ Nội An Hoa Kỳ chính thức thi hành. Điều luật mới này đòi hỏi du khách từ các quốc gia khác nhập cảnh Hoa Kỳ theo diện Miễn Thị Thực Chiếu Khán (visa) phải có sổ thông hành (passport) với hình cá nhân điện tử và sẽ phạt những người đưa các du khách này đến Hoa Kỳ nếu họ không có sổ thông hành loại mới.
Các công dân của 27 quốc gia được hưởng Chương trình Miễn Thị thực Chiến khán được tự do du hành đến Hoa Kỳ đến 3 tháng mà không cần phải xin chiếu khán.
Bộ Nội An đã phổ biến một thông báo cho biết kể từ ngày 26 tháng 10 năm 2005, những ai đưa du khách đến nước Mỹ theo Chương trình Miễn Thị thực Nhập cảnh mà không có sổ thông hành theo quy định mới sẽ bị phạt đến 3,300 mỹ kim, và những du khách nào muốn đến Hoa Kỳ không theo đúng những quy định mới này sẽ bị từ chối nhập cảnh. Bộ Nội An Hoa Kỳ cũng yêu cầu các nước được hưởng Chương trình Miễn Thị thực Chiếu khán bắt đầu thực hiện loại sổ thông hành có dấu vân tay vào năm 2006.
- Dự luật HR 4337 về biên giới: Các du khách đến từ Việt Nam có thể bị giam giữ nếu ở quá hạn chiếu khán du lịch nếu văn bản của dự thảo luật HR 4337 hiện nay trở thành đạo luật chính thức. Đây là một trong những đạo luật di trú khắt khe nhất đã được thông qua tại Hạ Viện Hoa Kỳ. Dự thảo luật này được sự chấp thuận của hầu hết các nhà làm luật của đảng Cộng Hòa và ngược lại, dự luật này bị hầu hết các dân biểu thuộc đảng Dân Chủ chống đối ở quốc hội Hoa Kỳ. Tuy nhiên, vì đạo luật này quá khắt khe nên nhiều người tin rằng sẽ không được Thượng Viện Hoa Kỳ thông qua, hoặc sẽ được giảm mức độ khe khắt tối đa ở Thượng Viện.
Theo đạo luật HR 4337, việc cư ngụ bất hợp pháp ở Hoa Kỳ được xem là tội đại hình, dù nhập cảnh Hoa Kỳ bất hợp pháp hay ở quá hạn chiếu khán (visa), hoặc vi phạm các giới hạn chiếu khán. Việc vi phạm sẽ bị xử phạt ít nhất là một năm tù. Và bất cứ ai phạm tội đại hình này sẽ bị bác bỏ bất cứ chiếu khán nào nếu họ muốn xin trong tương lai.
- Bảo Trợ Tài Chánh với những thay đổi quan trọng: Trong một Thư Báo quan trọng, ghi ngày 23/11/2005, được gửi đi từ Văn phòng Liên Lạc Di Dân và Công Dân Hoa Kỳ của Bộ Nội An tại Hoa Thịnh Đốn, thông tin cho các nhân viên duyệt xét biết rằng Văn phòng đã quyết định, áp dụng điều khoản 2134(0(6)(8) của Đạo Luật Quốc Tịch và Di Trú, như sau: Một người đang hoàn tất thủ tục Bảo Trợ Tài Chánh (với mẫu đơn I-864) đại diện cho đương đơn muốn xin chuyển diện cư trú (Thẻ Xanh) chỉ cần nộp một năm thuế lợi tức Liên bang, với năm thuế mới nhất so với ngày ký trên mẫu đơn I-864, thay vì phải nộp đủ 3 năm thuế lợi tức Liên bang mới nhất như trước đây.
Vì thế, đối với những hồ sơ xin chuyển diện với đơn I-485 nộp vào ngày hoặc sau ngày của bản Thư Báo này, người bảo lãnh sẽ không cần phải nộp bất cứ thuế của những năm khác, ngoại trừ giấy khai thuế mới nhất đang có tính đến ngày người bảo lãnh ký trên đơn bảo trợ tài chánh I-864. Thí dụ, nếu người bảo lãnh ký đơn I-864 sau ngày 15/4/2005, thì họ chỉ cần nộp thuế Liên bang năm 2004. Tuy nhiên, người bảo lãnh được quyền nộp 3 năm thuế mới nhất nếu họ tin tưởng rằng những năm thuế nộp thêm sẽ giúp cho đơn I-864 được đầy đủ hơn. Luật mới này áp dụng cho những người bảo lãnh, cũng như cho những người đồng bảo trợ tài chánh ký tên trên đơn I-864 của hồ sơ xin chuyển diện cư trú.
- Tổng lãnh sự Hoa Kỳ ở Sài Gòn vẫn là văn phòng lãnh sự bận rộn đứng thứ năm trên thế giới . Văn phòng này cho biết họ vẫn phải giải quyết khoảng 30.000 hồ sơ xin chiếu khán mỗi năm . Điều này đã mang lại gánh nặng cho văn phòng lãnh sự và cũng giải thích lý do tại sao những hồ sơ cần phải duyệt xét lại, sau khi không được chấp thuận trong cuộc phỏng vấn, phải mất ít nhất từ 6 đến 12 tháng . Chúng ta đã nói về vấn đề này từ hai năm trước và hiện nay tình trạng này vẫn không có gì thay đổi .
- Kết quả khám y khoa tổng quát có giá trị trên một năm: Theo nội dung một bản Thư Báo mới đây của cơ quan di trú trung ương, nếu các đương đơn xin điều chỉnh tình trạng cư trú (xin Thẻ Xanh), nộp giấy xác nhận y khoa (đơn I-693) của bác sĩ với đơn xin bảo lãnh (đơn I-130) sẽ không lo lắng vì thời hạn của giấy xác nhận y khoa nữa mặc dù thời gian cứu xét hồ sơ kéo dài trên một năm. Sự thay đổi này có hiệu lực cho đến tháng Giêng năm 2007.
Quý độc giả quan tâm đến việc bảo lãnh thân nhân muốn có thêm tin tức cập nhật, xin theo dõi qua báo chí hay đón nghe chương trình phát thanh của chúng tôi vào mỗi tối thứ Tư từ 7PM và sáng Chủ Nhật từ 11:00AM, trên các làn sóng 1110AM, 1430AM, 1500AM, và 106 .3FM . Hoặc quý vị liên lạc với một trong những văn phòng Robert Mullins International gần nhất: Westminster: (714) 890-9933 , San Jose (408) 294-3888, Oakland-San Francisco: (510) 533-8228, Sacramento (916) 393-3388 hay qua Email: info@rmiodp .com .
=END=