Một công dân Hoa Kỳ có thể bảo lãnh con đã ở tuổi trưởng thành (trên 21 tuổi), còn độc thân hoặc đã lập gia đình. Một thường trú nhân có thể bảo lãnh con trưởng thành còn độc thân.
Tất cả hồ sơ của cha mẹ bảo lãnh con đòi hỏi một giấy tờ căn bản nhất đó là giấy khai sinh của người con cho thấy có tên của cha mẹ. Nếu việc đăng ký khai sinh trễ xảy ra, các bằng chứng thứ hai sẽ cần nộp, kèm theo một giấy xác nhận của chính quyền địa phương cho biết lý do việc đăng ký khai sinh bị chậm trễ.
Nếu một người cha công dân Mỹ bảo lãnh một người con ngoại hôn (tức người cha và người mẹ của người con chưa bao giờ làm giấy hôn thú), và nếu người con không được hợp thức hóa trước 18 tuổi, người cha phải cung cấp bằng chứng cho thấy quan hệ cha con thật sự hiện hữu giữa người cha và người con trước khi người con 21 tuổi. Đây có thể bao gồm các bằng chứng đã sống chung với con, hỗ trợ con, hoặc phải cho thấy sự liên tục quan tâm của người cha trong sự phúc lợi của con.
Một công dân Mỹ có thể bảo lãnh con chưa lập gia đình. "Chưa lập gia đình" có nghĩa là "chưa từng kết hôn", hoặc "đã kết hôn và đã ly dị". Những người con đã lập gia đình có thời gian chờ đợi lâu hơn các con còn độc thân, thường phải chờ lâu hơn 4 năm. Chính vì lý do này, một số người được bảo lãnh đã xin ly dị, trở thành độc thân, để có thể rút ngắn thời gian chờ đợi. Tuy nhiên, điều này sẽ ngay tức khắc gây nên sự chú ý và nhân viên lãnh sự thường nghi vấn về việc ly dị này.
Một thường trú nhân có thể bảo lãnh con trưởng thành chưa lập gia đình, với thời gian chờ đợi khoảng từ 5 đến 7 năm. Nếu người bảo lãnh không trở thành công dân Mỹ và nếu người con kết hôn trong thời gian chờ đợi, đơn bảo lãnh sẽ tự động bị hủy bỏ. Con đã lập gia đình sẽ phải chờ cho đến khi người bảo lãnh trở thành công dân Mỹ và nộp đơn bảo lãnh mới.
Một công dân Hoa Kỳ có thể bảo lãnh con đã kế hôn và gia đình của người con này. Vấn đề của hầu hết hồ sơ thuộc diện này là một số trẻ em trong gia đình có thể lên 21 tuổi trước khi có thể nộp đơn xin chiếu khán (visa). Nếu điều này xảy ra, Đạo Luật Bảo Vệ Tuổi Trẻ Em có thể giúp.
Hỏi Đáp Di Trú
- Hỏi: Nếu người cha muốn bảo lãnh con ngoại hôn, liệu ông ta có thể chỉ cần thử quan hệ di truyền huyết thống (DNA) để chứng minh về sự liên hệ cha-con?
- Đáp: Vấn đề không đơn giản như vậy. Sở di trú đòi hỏi nhiều hơn bằng chứng liên hệ huyết thống. Họ cũng yêu cầu bằng chứng về sự liên hệ cha-con thật sự. Các bằng chứng có thể bao gồm thư tín liên lạc, hình ảnh, biên nhận gửi tiền cho con, bằng chứng các cuộc thăm viếng con cái, và tên của người cha trên khai sinh của con và trên hồ sơ trường học.
- Hỏi: Đạo Luật Bảo Vệ Tuổi Trẻ Em (CSPA) có thể giúp các cháu nội ngoại của người bảo lãnh ra sao khi các cháu lên 21 tuổi?
- Đáp: Trong nhiều trường hợp, số tuổi có thể được giảm theo thời gian hồ sơ bảo lãnh chờ duyệt xét ở sở di trú trước khi được chấp thuận. Thí dụ, nếu sở di trú mất 3 hay 4 năm để duyệt xét đơn bảo lãnh, thì thời gian này có thể được trừ vào tuổi của đứa trẻ.
Quý độc giả muốn có thêm tin tức cập nhật, xin theo dõi qua báo chí hay đón nghe chương trình phát thanh của chúng tôi vào mỗi tối thứ Tư từ 7PM và sáng Chủ Nhật từ 11:00AM, trên các làn sóng 1430AM, 1500AM, và 106.3FM. Hoặc liên lạc với một văn phòng Robert Mullins International gần nhất: Westminster: (714) 890-9933 , San Jose (408) 294-3888 (Văn Phòng mới số 779 trên đường Story Road), Sacramento (916) 393-3388 hay Email: info@rmiodp.com.