Tòa Án Rộng Quyền Thứ 9 Phủ Quyết Phục Hồi Lệnh Cấm Nhập Cảnh Của Trump - Lịch Cấp Chiếu Khán tháng 3-2017

Thứ Tư, 15 Tháng Hai 201700:16(Xem: 22606)
Tòa Án Rộng Quyền Thứ 9 Phủ Quyết Phục Hồi Lệnh Cấm Nhập Cảnh Của Trump - Lịch Cấp Chiếu Khán tháng 3-2017
Mục di trú và bảo lãnh do Văn Phòng tham vấn di trú Robert Mullins International đảm trách hằng tuần, nhằm mục đích thông báo các tin tức thời sự liên quan đến vấn đề đoàn tụ gia đình, rất hữu ích cho quý vị nào quan tâm đến việc bảo lãnh thân nhân. Đề tài trên đây cũng được thảo luận trực tiếp trên trang nhà của văn phòng, www.rmiodp.com, tiết mục Radio, vào mỗi tối  thứ Tư , từ 7:00-8:00 giờ

(Robert Mullins International) Vào ngày 03 tháng 2 năm 2017 vừa qua, một vị thẩm phán liên bang Hoa Kỳ đã ra ra phán quyết tạm ngưng lệnh cấm du khách và di dân của Tổng thống Donald Trump từ bảy quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi giáo, đó là các nước Syria, Iraq, Iran, Libya, Somalia, Yemen và Sudan. Hai tiểu bang đã thách thức sắc lệnh hành pháp của ông Trump và sắc lệnh hành pháp này đã gây nên một trận chiến pháp lý khắp Hoa Kỳ. Và điều này có nghĩa là chúng ta có thể quên đi việc cấm 7 quốc gia và việc trì hoãn người tỵ nạn nhập cảnh Hoa Kỳ. Tòa án sẽ cần phải nhiều tháng hoặc lâu hơn nữa để quyết định vấn đề này.

Ông James Robart, Thẩm phán Quận ở thành phố Seattle, phán định rằng tiểu bang Washington và tiểu bang Minnesota hợp lệ trong việc chận đứng sắc lệnh của Trump. Khoảng 60.000 người từ 7 quốc gia kể trên đã có chiếu khán (visa) di dân nhưng đã bị ngăn cản không được nhập cảnh Hoa Kỳ. Nhưng với phán quyết của thẩm phán Robart, tất cả những người này có thể đến Hoa Kỳ.

Thẩm phán Robart nói rằng tiểu bang Washington đã thấy rằng nếu những người tỵ nạn này bị giữ lại ở ngoài Hoa Kỳ, họ sẽ gánh chịu sự tổn thương không thể hàn gắn được. Chỉ sau vài giờ vị thẩm phán tuyên bố, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc cho biết sẽ nộp yêu cầu khẩn cấp xin trì hõan phán quyết của thẩm phán Robart cho phép người di dân nhập cảnh.

Như chúng ta đã thấy khi cựu Tổng thống Obama tuyên bố Sắc Lệnh Hành Pháp của ông về hai chương trình DACA (giúp những trẻ em theo cha mẹ nhập cảnh bất hợp pháp có thể làm việc hợp pháp ở Hoa Kỳ), và chương trình DAPA (giúp cha mẹ cư ngụ bất hợp pháp của công dân Hoa Kỳ hoặc Thường trú nhân có thể làm việc hợp pháp tại Hoa Kỳ), đã phải mất nhiều tháng để giải quyết vấn đề này khi phải đi qua hệ thống tòa án. Và những Sắc Lệnh Hành Pháp của ông Obama coi như đã chết.

Tại tòa án, luật sư Noah Purcell, Tổng tham vấn pháp lý của tiểu bang Washington, nói với Thẩm phán Robart rằng trọng tâm việc thách thức pháp lý của tiểu bang là sắc lệnh của tổng thống nhắm vào người Hồi giáo. Luật sư Purcell nói rằng có "rất nhiều bằng chứng" cho thấy sắc lệnh này nhắm trực tiếp vào đạo Hồi giáo và đây là điều vi hiến.

Thẩm phán Robart đã hỏi nữ luật sư Michelle Bennett của Bộ Tư Pháp rằng đã có tên khủng bố nào tấn công vào Hoa Kỳ đến từ 7 quốc gia nằm trong sắc lệnh của Trump kể từ biến cố 11 tháng 9 chưa? Bà luật sư Bennett trả lời rằng bà không biết. Ông Robart nói với bà Bennett rằng "Câu trả lời là không có ai cả"! Ông Trump liền chế diễu Thẩm phán Robart trên trang mạng cá nhân là "một thẩm phán diễu dở và (phán quyết) sẽ bị đảo ngược"!

Ông Trump nhanh chóng kháng cáo phán quyết của Thẩm phán Robart tại Tòa Án Rộng Quyền Thứ 9 ở thành phố San Francisco, tiểu bang California; đây là tòa án có thẩm quyền rộng gồm nhiều tiểu bang ở miền Tây Hoa Kỳ, kể cả tiểu bang Washington. Bên đương đơn gồm có hai tiểu bang Washington và tiểu bang Minnesota. Bên bị gồm có Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump; Bộ trưởng Nội An và Bộ trưởng Ngọai giao. Hội đồng xử án gồm có 3 vị chánh án (hai vị do hai Tổng thống thuộc đảng Cộng hòa chọn và một vị do Tổng thống thuộc đảng Dân chủ chọn). Sau những tranh luận tại tòa, ngày 9 tháng 2 năm 2017, Tòa án Rộng Quyền Thứ Chín - cả 3 vị chánh án - đã ra phán quyết chống lại việc phục hồi Sắc Lệnh Hành Pháp của ông Trump muốn ngăn chận du khách và người tỵ nạn đến từ 7 nước Hồi giáo. Ngay sau đó, chính phủ Trump yêu cầu Tòa Rộng Quyền Thứ Chín cho phép tái điều trần lại vấn đề này nhưng nhiều người cho rằng yêu cầu này cũng sẽ bị bác bỏ. Ngày 10/2, chính phủ Trump cho biết có thể sẽ không kháng cáo lên Tối Cao Pháp Viện.  Nhưng vào ngày 11 tháng 2, chính phủ Trump đã thông báo sẽ không kháng cáo lên Tối Cao Pháp Viện nữa.

Những doanh nghiệp lớn có địa bàn tại tiểu bang Washington như Amazon, Expedia và Microsoft lên tiếng ủng hộ những nỗ lực ngăn chận sắc lệnh của tổng thống. Họ nói rằng sắc lệnh này cũng đã ảnh hưởng nặng nề đến họat động của họ.

Vấn đề di trú nào khác, liên quan đến Sắc Lệnh Hành Pháp của ông Trump, cần quan tâm? Theo một dự thảo sắc lệnh hành pháp khác, ông Trump muốn giới hạn tiền cấp dưỡng xã hội dành cho người di dân. Cấp dưỡng này sẽ bao gồm tiền trợ cấp thực phẩm (food stamps) và chương trình trợ giúp thực phẩm cho trẻ em và các sản phụ (WIC). Các  chương trình trợ cấp này hiện được hàng triệu thế hệ di dân thứ nhất sử dụng cho họ và cho cả thế hệ thứ hai của họ là những trẻ em công dân Hoa Kỳ.

Bốn mươi lăm phần trăm các chủ gia đình di dân với con cái của họ sử dụng một chươngg trình trợ giúp thực phẩm. Tám mươi tám phần trăm trẻ em sống với cha mẹ di dân là công dân Hoa Kỳ.

Khi chúng ta nói đến chiếu khán để nhập cảnh Hoa Kỳ hoặc điều chỉnh diện cư trú tại Hoa Kỳ, hoặc du lịch ngoài Hoa Kỳ, liệu người Việt Nam có nên lo lắng về Sắc Lệnh Hành Pháp của ông Trump chăng? Câu trả lời là: Không.

Điều ông Trump muốn để cho dân chúng Hoa Kỳ thấy rằng ông chỉ nhắm vào việc ngăn cản bọn khủng bố có cơ hội nhập cảnh Hoa Kỳ, và giải quyết những vấn đề di dân bất hợp pháp tại Hoa Kỳ, phần lớn đến  từ Mễ Tây Cơ và Trung Mỹ. Nhưng nhiều người quan tâm trong giới chính trị thì cho rằng ông thường thổi phồng sự thật, cho những dữ kiện sai lạc và có đầu óc kỳ thị.

Qua những vấn đề gây tranh cãi gần như xảy ra hàng ngày kể từ khi ông Trump nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ, chúng ta có thể cảm ơn Hoa Kỳ, một quốc gia cho thấy không một viên chức chính phủ nào - kể cả tổng thống - có quyền hành tuyệt đối. Bất kể tổng thống có muốn làm gì đi nữa, điều ông muốn làm chỉ có thể được kháng cáo tại tòa.

LỊCH CẤP CHIẾU KHÁN VÀ CHUYỂN DIỆN CƯ TRÚ THÁNG 3-2017

(1) - IR-1, IR-2, IR-5: Vợ, con vị thành niên, cha mẹ của công dân Hoa Kỳ, luôn luôn hiệu lực

(2) - Diện F-1: Con độc thân, trên 20 tuổi, của công dân Mỹ: Ngày 01/06/2010 (Tăng 13 tuần)

(F-1  Xin Chuyển Diện Cư Trú Tại Hoa Kỳ: 01/01/2011)

(3) - Diện F2A: Vợ hoặc chồng và các con nhỏ của thường trú nhân: 08/05/2015 (Tăng 4 tuần)

(F2A Xin Chuyển Diện Cư Trú Tại Hoa Kỳ: 22/11/2015)

(4) - Diện F2B: Con độc thân, trên 20 tuổi, của thường trú nhân: Ngày 15/08/2010 (Tăng 4 tuần)

(F2B Xin Chuyển Diện Cư Trú Tại Hoa Kỳ: 08/02/2011)

(5) - Diện F-3: Con đã lập gia đình của công dân Mỹ. Ngày 22/04/2005 (Tăng 3 tuần)

(F3 Xin Chuyển Diện Cư Trú Tại Hoa Kỳ: 22/08/2005)

(6) - Diện F-4: Anh chị em của công dân Mỹ: Ngày 22/02/2004  (Tăng 2 tuần)

(F4 Xin Chuyển Diện Cư Trú Tại Hoa Kỳ: 01/07/2004)

(7) - Tu Sĩ-SR: Luôn luôn hiệu lực

Hỏi Đáp Di Trú

- Hỏi: Sắc Lệnh Hành Pháp có phải là một luật được tổng thống ban hành?

- Đáp: Sắc Lệnh Hành Pháp là những sắc lệnh hợp pháp được tổng thống ban hành cho các cơ quan chính phủ liên bang. Sắc Lệnh Hành Pháp không đòi hỏi sự chấp thuận của quốc hội. Những Sắc Lệnh Hành Pháp được một tổng thống ban hành có thể bị hủy bỏ dễ dàng bởi tổng thống kế nhiệm, và những sắc lệnh cũng rất dễ dàng bị thách thức bởi các tòa án liên bang.

- Hỏi: Những chủ đề nào có thể nằm trong những Sắc Lệnh Hành Pháp sau này của ông Trump?

- Đáp: Ông Trump vẫn còn tham vọng về việc xây một bức tường dọc theo biên giới Hoa Kỳ - Mê Tây Cơ. Ông ta muốn trục xuất hoặc trừng phạt người di dân đã từng nhận trợ cấp công cộng và ông muốn trục xuất di dân bất hợp pháp từng có một tội hình sự.

- Hỏi: Liệu thường trú nhân Hoa Kỳ có nên tránh đi du lịch ra ngọai quốc vì có thể gặp khó khăn khi trở lại Hoa Kỳ không?

- Đáp: Liên quan đến người Việt Nam, điều khó khăn chỉ có thể xảy ra nếu thường trú nhân nào có hồ sơ phạm tội hình sự. Ông Trump có thể tìm cách nào đó ngăn cản họ tái nhập cảnh Hoa Kỳ.

Kính mời quý độc giả đón đọc chủ đề Di Trú và Thăng Tiến Đời Sống trên các báo chí Việt ngữ địa phương số cuối tuần, hoặc nghe trực tiếp chương trình của chúng tôi vào mỗi tối thứ Tư  trên các làn sóng: Bắc Cali 1430AM, 7:00-8:00, Nam Cali 106.3FM, 7:00-7:30 và phát lại Chủ Nhật trên 1500AM lúc 2-3PM, trên trang nhà: www.rmiodp.com. Hoặc www.facebook.com/rmiodp. Hay liên lạc với văn phòng Robert Mullins International gần nhất: Westminster: (714) 890-9933 , San Jose (408) 294-3888, Sacramento (916) 393-3388, Rạng Mi: 84-3914-7638 hay Email: info@rmiodp.com
Thứ Năm, 09 Tháng Tám 2007(Xem: 126837)
Nhiều người tin rằng chỉ cần một chuyến quay trở lại Hoa Kỳ mỗi năm sẽ duy trì tình trạng thường trú nhân, nhưng thực tế cho thấy điều này không đủ chứng minh dự tính duy trì diện cư dân tại Hoa Kỳ. Thường trú nhân phải thực hiện thêm một số việc để có thể duy trì diện cư trú của mình.
Thứ Năm, 02 Tháng Tám 2007(Xem: 125538)
Hiệp Ước Mậu Dịch Tự Do Bắc Mỹ (viết tắt là NAFTA) năm 1993 đã lập ra chiếu khán (visa)  nghiệp vụ TN dành cho các công dân cư ngụ tại Canada và Mễ Tây Cơ. Ngoại kiều có đủ điều kiện xin chiếu khán TN sẽ được làm việc tại Hoa Kỳ.
Thứ Năm, 26 Tháng Bảy 2007(Xem: 123426)
Một trong những vấn đề lớn đã được đưa ra tranh luận trước Quốc Hội Hoa Kỳ là cải tổ  luật  di trú. Cuộc tranh luận này có nhiều mặt, trong đó phải kể đến sự quan tâm của các công ty Hoa Kỳ đang sử dụng rất nhiều công nhân không có giấy tờ hợp lệ. Các công ty này đang chờ xem luật cải cách di trú sẽ ảnh hưởng thế nào đến công ty họ.
Thứ Sáu, 20 Tháng Bảy 2007(Xem: 123684)
Du học Mỹ đã trở thành một hoài bão, một mục tiêu cháy bỏng đối với rất nhiều bạn trẻ ngày nay. Thế nhưng, chọn được một ngành học tốt, một trường đại học có chất lượng nơi xứ người quả là một việc không dễ dàng đối với các bạn học sinh-sinh viên trong nước do thiếu các nguồn thông tin đáng tin cậy.
Thứ Năm, 12 Tháng Bảy 2007(Xem: 120326)
Du học Mỹ đã trở thành một hoài bão, một mục tiêu cháy bỏng đối với rất nhiều bạn trẻ ngày nay. Thế nhưng, chọn được một ngành học tốt, một trường đại học có chất lượng nơi xứ người quả là một việc không dễ dàng đối với các bạn học sinh-sinh viên trong nước do thiếu các nguồn thông tin đáng tin cậy.
Thứ Năm, 28 Tháng Sáu 2007(Xem: 121931)
Dự luật Cải tổ Di trú Toàn diện được đặt số mới là S-1639, và hy vọng sẽ được đem ra thảo luận tiếp tuc vào tuần lễ cuối tháng 6, 2007, và một số người kỳ vọng dự luật sẽ được thông qua vào trước ngày Lễ Độc Lập Hoa Kỳ, 4 tháng 7 tới.
Thứ Năm, 21 Tháng Sáu 2007(Xem: 125157)
Dự luật Cải Tổ Di Trú 2007 đang gặp bế tắc tại quốc hội, chương trình chiếu khán (visa) "Y" sẽ bắt đầu cấp phát sau khi biên giới Mễ Tây Cơ - Hoa Kỳ được củng cố về an ninh. Điều này có nghĩa là bức tường biên giới sẽ phải hoàn tất, số nhân viên kiểm soát biên phòng phải được gia tăng, và các phương tiện an ninh kỹ thuật phải được chuẩn bị sẵn sàng.
Thứ Sáu, 15 Tháng Sáu 2007(Xem: 129979)
Chưa rõ các cộng đồng di dân khác phản ứng ra sao, tuy nhiên cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ đã phản ứng khá mạnh mẽ về những đề nghị cải tổ di trú của Thượng viện liên quan đến việc bảo lãnh đoàn tụ gia đình. Trong vài tuần lễ qua, gần một nửa những liên lạc với Văn phòng Robert Mullins International
Thứ Sáu, 08 Tháng Sáu 2007(Xem: 121189)
Vừa qua, chúng ta đã có dịp nói về Hệ thống Tính điểm cho các loại chiếu khán (visa) di dân đang được bàn thảo tại Quốc hội Hoa Kỳ. Với hệ thống tính điểm này, tất cả đương đơn xin chiếu khán di dân sẽ được duyệt xét dựa trên lý lịch và tiêu chuẩn, và sự hiện diện của người thân ở Hoa Kỳ chỉ được tính 10% số điểm. Điều này cho thấy người thân tại Hoa Kỳ chưa hẳn là người bảo lãnh theo đúng nghĩa của nó như trước đây.
Thứ Sáu, 01 Tháng Sáu 2007(Xem: 116014)
Điều duy nhất mà chúng ta biết được hiện nay về những dự luật cải tổ di trú tại quốc hội là chúng sẽ phải trải qua rất nhiều sự thay đổi cho đến khi những dự luật sau cùng được trình Tổng thống phê chuẩn vào tháng Tám năm nay. Mọi viễn ảnh của các dự luật này vẫn còn đang được tranh luận, nhiều vấn đề còn gay gắt đến độ Thượng viện phải ngưng hẳn một tuần để giảm không khí căng thẳng.