Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã phán rằng các luật sự phải nói cho thân chủ biết rằng người di dân, nếu phạm tội và khai nhận là có tội, họ có thể bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ. Quyền được biết sự thật này là quyền hiến định của luật pháp Hoa Kỳ.
Phán quyết của Tối Cao Pháp Viện có nghĩa là các luật sư thụ lý những hồ sơ hình sự phải nói cho thân chủ của họ biết rõ rằng nếu khai nhận phạm tội có thể đưa đến việc trục xuất. Nói cách khác, luật sư phải biết hậu quả nghiêm trọng của luật di trú nếu khai nhận phạm tội và phải giải thích rõ ràng điều này cho thân chủ của mình.
Phán quyết trên là một yêu cầu quan trọng cho các luật sư cần phải cố vấn các thân chủ di dân - không có quốc tịch Mỹ - về hậu quả nghiêm trọng của việc khai nhận tội. Một số tiểu bang đã áp dụng yêu cầu này. Và một số tiểu bang khác lại cho rằng phí tổn cung cấp luật sư cho những bị can di dân nghèo sẽ lên rất cao vì tiểu bang cũng phải trả tiền cho những lời cố vấn di trú của luật sư.
Phán quyết kể trên phát xuất từ vụ án của Jose Padilla, một di dân đến từ nước Honduras. Padilla đã xin tòa thượng thẩm hủy bỏ lời thú tội liên quan đến ma túy năm 2001 tại tiểu bang Kentucky, đã đưa đến việc ông ta sắp bị trục xuất. Ông Padilla, một thường trú nhân sống ở Hoa Kỳ hơn 40 năm, nói rằng ông đã hỏi luật sư của mình nếu nhận tội sẽ ảnh hưởng ra sao đến diện di trú. Và luật sư của ông nói rằng không ảnh hưởng gì cả! Luật sư của Padilla nói không đúng và Padilla hiện đối diện với thảm trạng bị trục xuất.
Trong vụ án của Padilla, một luật sư khác đã kháng án lên Tối Cao Pháp Viện rằng việc cung cấp thông tin không đúng cho ông Padilla đã vi phạm quyền Tu Chính Án Thứ Sáu, đó là quyền được "giúp đỡ hữu hiệu của luật sư".
Tối Cao Pháp Viện đã chấp thuận việc kháng án này. Họ nói rằng trách nhiệm của chúng ta theo Hiến pháp là phải bảo đảm rằng không một bị can hình sự nào phải gánh chịu những lời cố vấn luật pháp thiếu hiểu biết và sai lạc. Điều này áp dụng cho cả công dân Mỹ và các thường trú nhân. Một luật sư phải thông báo cho thân chủ của họ biết rằng nếu khai nhận tội sẽ đưa đến thảm cảnh bị trục xuất. Điều này là một yêu cầu quan trọng vì việc trục xuất sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thân nhân của người bị trục xuất đang sinh sống hợp pháp tại Hoa Kỳ.
Sự việc kể trên ảnh hưởng ra sao đến cộng đồng người Việt Nam? Vào ngày 22 tháng Giêng năm 2008, chính phủ Hoa Kỳ và nhà cầm quyền Việt Nam đã ký một hiệp ước hồi hương, cho phép Hoa Kỳ trục xuất các thường trú nhân Việt Nam bị phạm tội, là những người nhập cư Hoa Kỳ sau ngày 12 tháng 7 năm 1995. Đây cũng là những người đã nhận được án lệnh cuối cùng bị trục xuất.
Truớc khi có vụ án Padilla, có hai hướng giải quyết cho các thường trú nhân Việt Nam bị đối diện với lệnh trục xuất. Hướng giải quyết đầu tiên là cấp chiếu khán loại U cho một số
nạn nhân của một số tội ác nào đó. Hướng giải quyết thứ hai là yêu cầu tòa hủy bỏ một bản án hình đã bị xử nhưng dựa trên những lý do không có hiệu lực về mặt pháp lý.
Tuy nhiên, trước khi có vụ án Padilla, luật pháp không cho biết rõ ràng là ai sẽ được hưởng hai hướng giải quyết kể trên. Nhưng với vụ án Padilla, luật pháp đã rõ ràng hơn: nếu luật sư của qúy vị không đưa lời khuyên nào hoặc cho những lời khuyên không chính xác dẫn đến hậu quả di trú do lời khai nhận tội của qúy vị, và vì thế quyền hiến định của qúy vị bị vi phạm. Qúy vị có thể xin ra tòa và yêu cầu hủy bỏ bản án đã tuyên.
Trước khi Hoa Kỳ và Việt Nam ký kết hiệp định hồi hương, một số luật sư đôi khi đã đã cho những lời cố vấn sai lạc mang lại hậu quả di trú nguy hại cho một số thường trú nhân Việt Nam phạm tội hình sự. Nhiều bị cáo được khuyên rằng "cứ nhận tội đi, vì Việt Nam sẽ không nhận nếu Hoa Kỳ muốn trục xuất qúy vị". Theo Tối Cao Pháp Viện, kể từ ngày 31 tháng 3 năm 2010, những loại cố vấn sai lạc này sẽ vi phạm Tu Chính Án Thứ Sáu của qúy vị nhằm bảo đảm quyền được "giúp đỡ hiệu quả của luật sư".
Vì thế, các thường trú nhân người Việt Nam đã có lệnh bị trục xuất vì phạm tội nên tìm ngay những sự cố vấn pháp lý đúng đắn, nếu họ hội đủ điều kiện được bồi thường sau vụ án vì những lời khuyên không chính xác từ phía luật sư của họ. Nếu họ thực sự nhận những lời khuyên sai lạc hoặc không đầy đủ từ luật sư, họ sẽ có cơ hội được xóa án và đảo ngược quyết định trục xuất.
Hỏi Đáp Di Trú
- Hỏi: Năm 1999, luật sư của tôi khuyên tôi không kháng lại tội danh của mình. Luật sư cũng nói rằng tôi không nên lo âu về việc bị trục xuất vì chính quyền Việt Nam không nhận người Việt bị trả về. Luật mới sẽ có thể giúp tôi không?
- Đáp: Đúng, điều xảy ra cho ông cũng gần giống như vụ án mới đây của ông Padilla và Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ nói rằng quyền Tu Chính Án Thứ Sáu của ông Padilla đã bị vi phạm, vì luật sư của ông ta không cho những lời khuyên chính xác hậu quả di trú sẽ mang lại cho ông ta.
- Hỏi: Tôi đã khai nhận một tội trong qúa khứ và tôi được lệnh phải rời khỏi Hoa Kỳ. Vậy luật mới này có giúp được gì cho tôi không?
- Đáp: Điều này còn tùy thuộc vào việc luật sư đại diện cho ông và những gì luật sư đã cố vấn cho ông về hậu quả di trú qua lời thú nhận tôi của ông. Nếu luật sư không cố vấn gì hết, ông sẽ có cơ hội xin mở lại hồ sơ phạm tội của mình.
- Hỏi: Nếu tôi kháng án hồ sơ phạm tội của tôi và thắng án, lệnh trục xuất của tôi có được thay đổi không?
- Đáp: Không, việc thay đổi lệnh trục xuất do vị chánh án di trú quyết đînh. Sau khi ông thắng được hồ sơ phạm tội, ông phải nộp đơn thỉnh cầu cứu xét hồ sơ với vị chánh án di trú.- Hỏi: Tôi đã phạm một tội hình sự trong quá khứ và mới đây được lệnh sẽ bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ. Làm sao tôi có thể biết việc này ảnh hưởng đến tôi ra sao?
Quý độc giả muốn có thêm tin tức cập nhật, xin theo dõi qua báo chí hay đón nghe chương trình phát thanh của chúng tôi vào mỗi tối thứ Tư từ 7PM và sáng Chủ Nhật từ 11:00AM, trên các làn sóng 1430AM, 1500AM, và 106.3FM. Hoặc liên lạc với một văn phòng Robert Mullins International gần nhất: Westminster: (714) 890-9933 , San Jose (408) 294-3888 (duy nhất tại đường số 1, không phải đường Monterey), Oakland-San Francisco: (510) 533-8228, Sacramento (916) 393-3388 hay Email: info@rmiodp.com.