Mục di trú và bảo lãnh do Văn Phòng tham vấn di trú Robert Mullins International đảm trách hằng tuần, nhằm mục đích thông báo các tin tức thời sự liên quan đến vấn đề đoàn tụ gia đình, rất hữu ích cho quý vị nào quan tâm đến việc bảo lãnh thân nhân. Mọi đóng góp ý kiến xin liên lạc 1-800-411-0495
Trong đề tài kỳ trước, chúng ta đã nói về vấn đề chi phí du học tại Hoa Kỳ. Một trong những vấn đề quan trọng khác là bảo hiểm y tế. Các trường học ở Hoa Kỳ muốn biết liệu tất cả sinh viên của nhà trường có thể thanh toán các chi phí y tế cần thiết hay không. Trong bài viết lần này, Văn phòng Robert Mullins International xin trích dẫn bài viết của thông tín viên đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) Nancy Steinbach trình bày về vấn đề bảo hiểm y tế đối với sinh viên ngoại quốc theo học tại các đại học Mỹ.
Chi phí y tế có thể sẽ rất cao nếu một người bị tai nạn hay ngã bệnh, và trong trường hợp người này có bảo hiểm y tế thì bảo hiểm có thể trả một phần lớn hay toàn bộ chi phí này. Sinh viên có thể đã được bảo hiểm y tế bao gồm trong chương trình bảo hiểm của cha mẹ họ. Tuy nhiên cũng có những sinh viên không có bảo hiểm, trong trường hợp này nhiều trường đề nghị sinh viên mua các chương trình bảo hiểm riêng của mình.
Phần lớn các trường cao đẳng và Đại học ở Mỹ đều có các trung tâm y tế dành cho sinh viên. Một số trường còn có cả bệnh viện và các sinh viên bị bệnh nặng có thể đến khám bệnh và được điều trị.
Đại học mà chúng tôi chọn để trình bày lần này là Đại học Michigan ở thành phố Ann Arbor. Năm nay trường có hơn 4600 sinh viên ngoại quốc đang ký theo học.
Tất cả sinh viên của Đại học Michigan đều đã trả một khoản lệ phí về dịch vụ y tế, bao gồm trong học phí đóng cho nhà trường. Với lệ phí này, sinh viên được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, được khám bệnh tại trung tâm Dịch Vụ Y Tế của Đại học. Lệ phí này cũng bao gồm cả chi phí về giáo dục y tế, vật lý trị liệu, chụp ảnh và trị liệu bằng quang tuyến và phần lớn các vụ xét nghiệm trong phòng thí nghiệm.
Tuy nhiên lệ phí này không bao gồm toàn bộ các chi phí y tế. Thí dụ như nó không trả tiền thuốc chữa mắt, kính thuốc, hay khám mắt thường kỳ, và cũng không thanh toán chi phí nằm bệnh viện.
Các giới chức Đại học nói rằng sinh viên ngoại quốc bắt buộc phải có bảo hiểm y tế.
Đại học Michigan đề nghị các sinh viên của trường chọn một chương trình bảo hiểm đặc biệt dành cho sinh viên ngoại quốc. Bảo hiểm này để thanh toán các chi phí trong các trường hợp khẩn cấp.
Nhưng bảo hiểm này sẽ không thanh toán các chi phí chăm sóc răng, và thường cũng không thanh toán chi phí chữa trị những chứng bệnh mà sinh viên mắc phải trước khi đến học ở trường.
Sinh viên cũng có thể mua bảo hiểm y tế của các công ty độc lập, tuy nhiên việc này phải được nhà trường chấp thuận trước.
Sinh viên có thể mua bất kỳ loại bảo hiểm y tế nào, vấn đề là các trường muốn biết rằng tất cả sinh viên theo học tại trường họ có thể chi trả được các khoản chăm sóc y tế cần thiết của họ hay không.
Các bạn sinh viên muốn biết các thông tin liên quan đến chương trình Đại học và cao đẳng ở Mỹ, mời các bạn truy cập địa chỉ trên mạng Internet www.voaspecialenglish.com hay www.educationusa.state.gov
- Câu hỏi: Cháu tôi muốn sang Mỹ du học. Gia đình chúng tôi ở tiểu bang Virginia có đủ điều kiện taì chánh để lo cho cháu ăn học, nhưng gia đình cha mẹ của cháu ở Việt Nam thì rất nghèo. Vậy cháu có thể nộp đơn xin du học được không?
- Trả lời: Một học sinh, sinh viên Việt Nam muốn du học ở Hoa Kỳ, ngoài vấn đề học vấn phải trên trung bình, gia đình của họ ở Việt Nam phải có lợi tức khá giả và phải chứng minh được điều này với nhân viên phỏng vấn của Tổng lãnh sự Hoa Kỳ ở Việt Nam. Theo quan điểm về vấn đề du học, chính cha mẹ của của người muốn du học sẽ là nguồn tài chánh chính trang trải học phí và cũng phí tổn sinh sống khác của con cái mình. Vấn đề du học khá phức tạp, đề nghị bạn liên lạc với các văn phòng tham vấn di trú chuyên môn để tham khảo về vấn đề này.
- Câu hỏi: Con trai tôi đã từng học Trung học ở Hoa Kỳ với visa H-4, nhưng sau đó đã chuyển sang loại visa sinh viên du học F-1 khi cháu đã quá tuổi. Cháu đã tốt nghiệp bằng cán sự hai năm ở Hoa Kỳ và quyết định trở về nước. Bây giờ con tôi lại muốn hoàn tất chương trình 4 năm tại đại học ở Hoa Kỳ và chúng tôi đã nộp đơn nhập cho cháu theo diện du học sinh, nhưng cho đến nay vẫn chưa nhận được giấy chấp thuận của nhà trường. Câu hỏi của chúng tôi là: Con tôi có thể xin visa B1 hay B2, và ngay khi có giấy chấp thuận I-20 của trường, chúng tôi sẽ xin chuyển sang diện visa F-1 khi con tôi đến Mỹ?
- Trả lời: Sau biến cố 11 tháng 9 năm 2001, việc chuyển đổi từ visa B1 hay B2 sang visa du học sinh F-1 rất khó khăn. Luật mới về di trú cho biết khi đương đơn xin loại visa B1 (tức xin visa nghiệp vụ) hay B2 (tức loại visa du lịch), phải thông báo cho nhân viên phỏng vấn Tổng lãnh sự rằng đương đơn có thể sẽ xin học tại Hoa Kỳ nhưng chưa biết học ở trường nào. Đây là vấn đề rất phức tạp. Chúng tôi xin đề nghị bạn nên làm theo chiều thuận, tức là xin giấy chấp thuận I-20 của nhà trường rồi mới xin visa F-1.
Quý độc giả quan tâm đến việc bảo lãnh thân nhân muốn có thêm tin tức cập nhật, xin theo dõi qua báo chí hay đón nghe chương trình phát thanh của chúng tôi vào mỗi tối thứ Tư từ 7PM và sáng Chủ Nhật từ 11:00AM, trên các làn sóng 1110AM, 1430AM, 1500AM, và 106.3FM. Hoặc quý vị liên lạc với một trong những văn phòng Robert Mullins International gần nhất: Westminster: (714) 890-9933 , San Jose (408) 294-3888, Oakland-San Francisco: (510) 533-8228, Sacramento (916) 393-3388 hay qua Email: info@rmiodp.com